Sự thay đổi và cách thích ứng của thế giới trong thời đại số - Phần 4
Trước những tác động của đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch của các lĩnh vực trong thời đại số vốn đã nhanh nay lại càng phải trở nên gấp gáp hơn.
7. Thương mại điện tử (E-Commerce)
Nói về sự bùng nỗ trong thời kì chuyển đổi số, thì không nào thể nào không nhắc đến lĩnh vực “thương mại điện tử”. Trước đây, trở ngại lớn nhất đối với người tiêu dùng trong việc “mua hàng online” chính là việc không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa và thiếu thông tin về sự uy tín của những cửa hàng online đang xuất hiện ngày một dày đặc trên các phương tiện Internet. Mặc dù, thấy được những món đồ mình đang cần với giá cả tốt hơn so với bên ngoài cửa hàng nhưng người mua vẫn luôn lo ngại về sản phẩm mà mình nhận được sẽ không giống như những gì người bán đã miêu tả hoặc một sự cố nào đó trong quá trình gói hàng và vận chuyển sản phẩm. Khi đó việc đổi trả sản phẩm không chỉ mất nhiều thời gian và tiền bạc mà đôi khi với những người bán hàng không uy tín thì xem như bản thân đã gặp phải một "cú lừa". Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc mua sắm online dường như trở thành một hình thức bắt buộc để mỗi người đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh. Chính điều này, đã giúp nhiều người tiêu dùng vượt qua được rào cản tâm lý về việc mua nhằm hàng không đúng chất lượng, thay vào đó họ xem những lần không may mắn đó là những bài học và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn trong việc mua hàng online và dần biến nó trở thành một thói quen.
Nói không ngoa, thì đại dịch Covid-19 là chất xúc tác để giúp nền tảng thương mại điện tử phát triển một cách mạnh mẽ và khẳng định vị thế của mình. Theo thống kê của Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử từ giai đoạn 2016 – 2019 chỉ rơi vào khoảng 30%, nhưng trong năm 2020 thời điểm mà đại dịch bắt đầu xuất hiện tại nước ta thì con số này đã lên 46% (tức hơn khoảng 40 triệu người Việt Nam có tham gia giao dịch điện tử) và chắc chắn số liệu tăng trưởng trong năm 2021 sẽ còn đáng kinh ngạc hơn nữa.
Sự tiện lợi của việc “mua sắm online” so với “mua sắm truyền thống” là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, đi đôi với sự tiện lợi ấy cũng là những rủi ro luôn luôn rình rập cả những nhà bán hàng lẫn người mua hàng và khía cạnh rủi ro chúng tôi đang muốn đề cập ở đây chính là những rủi ro về công nghệ hay nói chính xác hơn là việc “tấn công mạng”.
Với người mua hàng, các ứng dụng mua sắm trực tuyến luôn có một chức năng là kết nối với những ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng của người dùng để họ thuận tiện cho việc thanh toán. Tuy nhiên, bên cạnh những Email, tin nhắn, đường link… Của các tổ chức kinh doanh thì các “Hacker” cũng sử dụng con đường này để gửi đến người mua hàng với nội dung tương tự nhưng kèm theo đó là các mã độc mà bạn khó lòng nhận ra. Một khi người dùng không cẩn trọng trong việc phân biệt các nội dung này thì số tiền và các dữ liệu cá nhân trong tài khoản của bản sẽ ngay lập tức bị đe dọa.
Với nhà bán hàng, họ cũng sẽ gặp những cách thức tấn công mạng tương tự người tiêu dùng nhưng những thiệt hại về mặt tài sản sẽ ở mức nghiệm trọng hơn, chưa kể việc xảy ra rủi ro của nhà bán hàng cũng nhiều hơn vì số lượng người dùng trong hệ thống là lớn hơn. Bên cạnh đó, do sử dụng không gian từ một bên thứ 3 cung cấp, ở đây chính là các dịch vụ đám mây trên sàn thương mại điện tử và khi mục tiêu này bị tấn công, nhà bán hàng cũng sẽ ít nhiều bị tổn thất. Vì vậy, một khi đã hoạt động dựa trên những nền tảng do Internet mang lại, những “tổ chức kinh doanh online” cần phải trang bị cho mình một hạ tầng Internet chất lượng, việc đó không chỉ giúp hoạt động kinh doanh của mình được ổn định mà nó còn giúp tổ chức cảnh báo, phát hiện và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong thời đại công nghệ - kỹ thuật số.
8. Thanh toán online (E-Payment)
Có lẽ, ở thời buổi hiện tại việc quên mang tiền hoặc mang ví không còn là một điều gì làm chúng ta cảm thấy xấu hổ với bạn bè, mà nó còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc cập nhật và nắm bắt các xu hướng hiện đại. Giờ đây, với một chiếc “smartphone và một tài khoản ngân hàng”, bạn có thể đi bất cứ đâu từ shopping, đến một quán ăn hay thậm chí là đi du lịch ở đâu đó mà không cần bận tâm quá nhiều đến việc “chiếc ví đang ở đâu”.
Theo thống kê của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, hiện có tổng cộng 45 triệu tài khoản cá nhân tại nước ta (đã trừ đi những tài khoản trùng 1 chủ), tức khoảng 50% dân số cả nước và dự kiến đến năm 2025 ít nhất sẽ là 80% dân số có tài khoản tại các ngân hàng bất kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 61,37 triệu người dùng đang sở hữu smartphone và nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới. Hai số liệu trên, cùng với những chính sách thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt của chính phủ là nền tảng vững chắc để các tổ chức phát hành, tham gia phát triển những ứng dụng thanh toán để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng và cũng là một khía cạnh quan trọng để liên kết với những lĩnh vực khác.
Bên cạnh sự tiện lợi trong về khía cạnh thanh toán, người dùng còn nhận được nhiều chương trình ưu đãi từ nhà phát hành ứng dụng và các bên liên quan khiến cho chúng ta dễ dàng từ bỏ hình thức thanh toán tiền mặt truyền thống để chuyển qua sử dụng những “ứng dụng thanh toán điện tử”. Nhưng đây cũng không phải là một hình thức không có rủi ro, với sự đa năng và tính liên kết của các ứng dụng trên chiếc “smartphone”. Những chiếc ví điện tử của chúng ta sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của các cuộc “tấn công mạng” thông qua các hành động thường ngày như: lướt web, nhắn tin, download ứng dụng …. Và những vụ “tấn công mạng” cũng sẽ ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng hơn trong thời đại công nghệ, kỹ thuật số.
Văn Phúc